Skip links

Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, yếu tố then chốt tăng hiệu quả logistics

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics là yếu tố cốt lõi để tăng hiệu quả logistics, duy trì chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh.

Thiếu hụt nhân lực ngành logistics Việt Nam

Theo “Báo cáo dự báo kỹ năng ngành logistics 2021 – 2023” được công bố tại diễn đàn Dự báo kỹ năng cho lao động ngành logistics Việt Nam, nguồn nhân lực logistics tại các doanh nghiệp logistics và sản xuất của Việt Nam ở tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Cụ thể, các vị trí đang thiếu hụt nhiều nhất là nhân viên kinh doanh logistics, nhân viên công nghệ thông tin logistics và điều phối khai thác vận tải, kho hàng và 5 kiến thức và kỹ năng logistics quan trọng nhất đối với thành công trong công việc của nhân sự logistics: ngoại ngữ; công nghệ thông tin; lập kế hoạch phương tiện, thiết bị; thích nghi áp lực công việc cao; tích cực trong công việc; tính trung thực…

Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh Xã hội) cho biết, logistics là một trong số ít những ngành dịch vụ có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh mang tính toàn cầu, trong đó nguồn nhân lực của ngành có tính dịch chuyển toàn cầu là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển này.

20221013DH09.jpg

Từ cơ sở thực tiễn đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp khẳng định, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics Việt Nam là yếu tố cốt lõi để duy trì chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia đặc biết trước những khó khăn từ dịch Covid-19.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Luyện – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng là hoạt động “xương sống” của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ với mức đóng góp cho GDP khoảng 6%. Từ năm 2020, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã tạo thêm tác động tiêu cực đến ngành logistics, làm tăng chi phí vốn đã ở mức cao. Trước yêu cầu đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Logistics thông qua các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, khai thác phương thức vận hành e-logistics.

Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nhân lực logistics

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, logistics trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Theo bà Phạm Thị Thu Hương – Tổng giám đốc Công ty Vinafco chuyển đổi số trong ngành logistics bắt đầu dựa trên ba yếu tố, đầu tiên người lãnh đạo phải tiên phong thay đổi cách làm thì sẽ có chuyển đổi số, tiếp đến là quy trình với công nghệ là phương tiện nhưng quan trọng vẫn là cách làm, cuối cùng là yếu tố người dùng biết họ cần gì để doanh nghiệp đáp ứng. Các doanh nghiệp logistics vẫn nhìn nhận ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những thách thức chính đòi hỏi cần có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Điều này đặt trách nhiệm lên vai của các trường đại học, cao đẳng đang đào tạo trong lĩnh vực này.

Bà Vũ Thu Huyền – Trưởng phòng kinh doanh Miền bắc – Công ty Cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog, doanh nghiệp cũng gợi ý sử dụng Big Data và nền tảng AI để tối ưu hoá hoạt động logistics. Đưa ứng dụng phần mềm trong lĩnh vực logistics vào trường học để sinh viên nắm được quy trình và áp dụng vào thực tiễn khi làm tại doanh nghiệp.

Thông tin tại hội thảo “Cập nhật xu huớng phát triển công nghệ số trong ngành logistics – đào tạo và thực tiễn” nằm chuỗi sự kiện Valoma Confest 2022, bà Vũ Thị Ánh Tuyết – Giảng viên Học Viện Ngân hàng chia sẻ, xu thế tất yếu về thay đổi công nghệ trong hoạt động của do nghiệp cho thấy yêu cầu tất yếu phải ứng dụng công nghệ trong đào tạo logistics và chuỗi cung ứng tại các trường đại học. Cụ thể, xu hướng số hoá chuỗi cung ứng, công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo hay nền tảng công nghệ đám mây trong logistics, công nghệ blockchain… Đáng nói, hiện chỉ có 34% các trường có đào tạo về logistics và chuỗi cung ứng có ứng dụng công nghệ số trong đào tạo. Các trường đào tạo thiên về lý thuyết, chưa gắn liền với thực tiễn, trong khi đó, logistics yêu cầu đào tạo như đào tạo nghề, đòi hỏi sinh viên ra trường phải biết thực tiễn.

20221013DH10.jpg

Chuỗi sự kiện Valoma Confest bao gồm các hoạt động xoay quanh lĩnh vực logistics và quản trị chuỗi cung ứng

Logistic là một nghề có trên thị trường, sau đó chúng ta mới đưa và đào tạo nên mới xảy ra độ vênh giữa đào tạo và thực tế. “Cũng theo khảo sát của chúng tôi, chưa nhiều trường ứng dụng công nghệ trong đào tạo vì chi phí ban đầu khi sử dụng phần mềm lên tới 3 triệu/năm phần mềm/người dùng, chưa kể đầu tư cho cơ sở vật chất, chi phí thay đổi chương trình đào tạo, dẫn đến chi phí ban đầu cao hơn so với dự toán tổng chi của trường dẫn” – TS.Vũ Thị Ánh Tuyết cho hay.

Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Thị Cúc Hồng – giảng viên Đại học Kinh tế – Tài chính TP.Hồ Chí Minh (UEF) cũng cho biết, so với các trường đại học có đào tạo logistics trên thế giới, thì tỷ lệ ứng dụng công nghệ số trong đào tạo tại UEF còn khá thấp, chỉ chiếm 6/132 tín chỉ, tương đương 5%; trong khi tỉ lệ này ở Đại học Bắc Florida (Mỹ) là 11%, tại Đại học Curtin (Singapore) là 21%, Đại học Logistics Kuhne (Đức) là 39%. Trọng tâm của chương trình đào tạo là thiếu ứng dụng công nghệ, số hóa quản trị, đặc biệt là tự động hóa vào logistics.

Chúng tôi muốn đề nghị ban lãnh đạo nhà trường cập nhật chương trình đào tạo, bổ sung các môn học hiện đại như E-logistics, code và dữ liệu quản trị, thiết kế nhà xưởng, nhà kho… Đưa giảng viên UEF sang các trường bạn để nghiên cứu, học tập để áp dụng cho sinh viên Việt Nam; đồng thời đầu tư mua giáo trình từ nước ngoài về áp dụng tại UEF” – Nguyễn Thị Cúc Hồng nêu ý kiến.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, thời gian vừa qua, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp đã chỉ đạo tích cực các trường có giải pháp phát triển ngành logistics. Hiện nay, có khoảng 30 trường trung cấp, cao đẳng đào tạo với quy mô hàng năm khoảng 11.000 nhân lực. Sắp tới, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ phải tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để gắn kết giữa doanh nghiệp – nhà trường – nhà nước. Việc này đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên, hướng tới đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian tới chúng tôi cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo khác mở mã ngành hoạt động, mở quy mô đào tạo logistics. Chúng tôi cũng hướng tới xây dựng Hội đồng kĩ năng ngành nghề, Hội đồng tư vấn ở các cấp độ khác nhau. Đây là thể chế để làm sao đưa doanh nghiệp thành một chủ thể tích cực trong quá trình đào tạo và giáo dục nghề nghiệp” – ông Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.

Chuỗi sự kiện VALOMA CONFEST 2022 được tổ chức trực tuyến và trực tiếp xuyên suốt trong tháng 10/2022, nhằm trao đổi những vấn đề học thuật và thực tiễn cập nhật nhất trong lĩnh vực logistics. Đồng thời, xác lập thêm kênh thông tin tham vấn đến các cơ quan quản lý Nhà nước khi xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành Logistics tại Việt Nam.VALOMA CONFEST 2022 bao gồm các sự kiện với nội dung cụ thể như Hội thảo Cập nhật xu hướng phát triển số trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Hội chợ việc làm đầu tiên dành cho ngành logistics; Hội thảo quốc gia thường niên về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lần thứ 2 (ngày 14/10) tại TP Đà Nẵng; Vòng bán kết Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2022 (Tuần thứ 3 của tháng 10); Tọa đàm “ Hướng đi nào cho đào tạo nhân lực ngành LSCM” (ngày 22/10)…

Nguồn: Nhật Khôi – congthuong.vn